Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Chào PT

Vừa đặt chân vào đến ranh giới, PT đón mình bằng một trận mưa tầm tã. Mình có cảm tưởng như đó là trận mưa lớn nhất kể từ khi bắt đầu mùa mưa. Từng trận mưa nặng hạt cứ phả vào mặt, làm cho da mặt có cảm giác vừa căng rát, vừa che khuất tầm nhìn trên đường. Hai chiếc áo mưa mang theo, dù đã bọc gần như kín mít, vẫn cảm thấy như không đủ che hết được trận mưa này.
Con đường đất đỏ dẫn vào khu vực, mỗi khi có chiếc xe nào chạy qua vào mùa nắng, thì cả một vùng hai bên đường chẳng thể nhìn thấy nhau, không bởi khói sương mà vì bụi đất đỏ mịt mù. Những lớp bụi tung lên và cuốn theo chiều gió, bám vào những hàng cây hai bên đường. Những lớp còn lại, tạo thành một lớp bột mịn, khi gặp mưa lớn, thì trôi theo dòng nước, tạo thành dòng chảy mang theo phù sa. Vì thế, các con sông bắt nguồn từ vùng đất Tây Nguyên, luôn có màu đỏ au, đục ngàu. Mùa mưa, con đường trở nên trơn trượt và sình lầy. Khi gặp phải trận mưa lớn, đoạn đường trở nên như chiếc võng, cứ đánh đưa “con ngựa sắt” mình, khi thì trượt sang mép bên này đường, khi thì sang tận mép bên kia. Và dẫu muốn biến thành chiếc võng, để cứ ...đong đưa “con ngựa sắt” trên mặt đường, thì cũng chẳng ngăn cản được bước chân của kẻ đang ít nhiều bước đi trên những cung đường như thế này.

Những khuôn mặt hiền từ, những nụ cười hồn hậu, chất phác là những thứ mình bắt gặp khi trở lại sau một năm. Những con người quanh năm lam lũ, gắn chặt đời mình vào những thửa đất, những hàng cây nông nghiệp, đã như một phần tất yếu của cuộc đời những con người nơi đây. Những mảnh đời gắn liền với những thân phận quy tụ từ những vùng đất khác nhau, nhưng cùng chung nhau một nỗi khao khát, đó là con tim bình an.
Hơn 50 năm qua, họ vẫn trung thành, gắn bó với mảnh đất mà họ đã chọn như là quê hương thứ hai của đời họ. Những con người đã kinh qua gian khổ, đã chứng kiến những tàn khốc của binh lửa, của chiến tranh thì hơn ai hết, chính họ rất khát khao cuộc sống yên bình. Có lẽ vì thế mà suốt bao nhiêu năm, họ ngày ngày chấp nhận yên phận với khoản thu nhập bấp bênh từ những thứ do chính công sức đổ xuống nương đồng. Hơn 50 năm, thế hệ đầu tiên trong số những người đến lập nghiệp, đã có những người hoàn tất cuộc đời của mình và đã gửi lại thân xác ở lòng đất mẹ nơi quê hương thứ hai này.
Mình không biết được có bao nhiêu giọt mồ hôi của những con người nơi đây đã đổ xuống và hoà quyện vào vùng đất này. Mình cũng không biết được có bao nhiêu ước mơ đã được trải dài xuống dòng chảy cuộc đời, cụ thể nơi những con người đang sinh sống nơi đây. Mình biết được một điều, là cho đến nay, họ vẫn phải vất vả, lam lũ để mưu sinh trên mảnh đất đã gắn bó hơn một nửa đời người của họ. Hầu như họ hiểu nhau, biết rõ về nhau và chia sẻ cho nhau những vui buồn của nhịp sống thường ngày. Họ biết tường tận về nhau và tin tưởng nhau đến nỗi, ngay cả một bảng hiệu quảng cáo dịch vụ được viết bằng than củi, đã mờ nhạt theo năm tháng, người ta vẫn hiểu được nơi ấy cung cấp dịch vụ gì.

Không cầu kỳ trong cách sống, không vồn vã khi tiếp xúc, họ chỉ đơn giản mong muốn cuộc sống yên bình. Nếu một lữ khách dừng chân, sẽ cảm nhận được câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Họ hy vọng thật nhiều, nhưng rồi niềm hy vọng vẫn cứ mãi xa vời với thực tại của họ. Và họ thất vọng, rồi lại đặt hy vọng và lại thất vọng. Khi thất vọng với mặt đất, thì chính là lúc họ ngước nhìn lên cao, để đặt niềm hy vọng vào một thực tại trên cao.
Phải chăng, “hướng nhìn lên cao” là nơi cuối cùng mà người ta có thể gửi gắm niềm tin của mình.
Phải chăng, việc hướng về thực tại trên cao để thấy được vẻ đẹp của đời sống, để thấy cuộc sống này thật đáng sống, và để thấy cuộc đời họ không đi vào ngõ cụt chính là động lực giúp họ có thể có sức mạnh để bước tiếp những bước chân trên hành trình sống kiếp người của mình.
Và phải chăng, đó là nét đẹp thân thương giữa những ngổn ngang của cuộc mưu sinh đầy trắc trở.


Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

ĐƯỜNG ĐI



original

 (Ảnh minh hoạ)
Nơi những nẻo đường đi qua trong đời sứ vụ, hắn đã từng đi trên những con đường, có gập ghềnh, có đá sỏi, và cũng có những con đường trải rộng thênh thang, nhưng khi đi trên cung đường dẫn đến với những con người đang sống ở nơi đây, hắn lại miên man suy nghĩ về những con đường và cảm thương về những phận người trong cuộc đời này quá đỗi.
Ai ai, dường như cũng đang phải loay hoay với những giải pháp để tìm lời giải đáp thoả đáng cho những “vấn nạn” về bài toán đời mình.
Họ kiếm tìm trong những lao nhọc.
Họ tất bật và vội vã với những lo toan.
Họ vất vả giữa những xuôi ngược trong dòng đời.
Họ tìm được, rồi lại vuột mất đi, ngay trước mắt họ.
Có đó rồi lại mất, chẳng có chi vững bền mãi mãi.
Trên tất cả, họ chỉ mong có được một cuộc đời hạnh phúc.
Và tất cả, họ đều cùng có chung một con tim kháo khát được bình an.
Nhưng, có lẽ, cách thức chọn lựa để sống đời bình an, hạnh phúc của từng người lại quá khác nhau, nên cuộc đời có muôn vàn mảnh đời khác nhau.
Đành rằng, chẳng ai có thể sống cuộc đời mình, và chắc cũng chẳng có được mấy người lựa chọn cuộc sống giùm người khác, nhưng những phận người ở nơi này vẫn gợi lên trong hắn một chút gì đó mênh mang.
Có thể nói về “số phận” hay “định mệnh” đau thương đã và đang ập xuống những mảnh đời này chăng?

Kinh nghiệm của hắn về những nẻo đường là kinh nghiệm của sự trầy trật, vấp ngã, nhưng vẫn luôn đứng dậy để đi tiếp và đôi mắt vẫn luôn hướng nhìn về phía trước.
Hắn chẳng thể biết được bao giờ thì con đường của hắn sẽ kết thúc, nghĩa là hắn chẳng thể dừng bước để yên nghỉ. Hắn chỉ biết được một điều là hắn chỉ được sống có một lần, phải hoàn thành cuộc đời hắn, phải dám lãnh trách nhiệm về hắn, và lãnh trách nhiệm về những hệ luỵ hắn đã làm nên, bởi chẳng ai có thể thay thế cuộc đời hắn. Và vì thế, mắt hắn luôn đau đáu nhìn về đích điểm đời hắn, nghĩa là hắn luôn phải mở lòng trước những thách đố, những sự kiện, những vấn đề của cuộc sống thường ngày để có thể nghe được tiếng mời gọi của Tình yêu nơi Thầy Giêsu. Tình yêu ấy sẽ là nguồn động lực và ý nghĩa cho hành trình đời hắn. Tình yêu ấy mời gọi hắn hiến dâng bản thân để trao tặng cho Giêsu, và chính lúc đó, hắn lại được đón nhận tình yêu nhưng không và sự tặng ban trọn vẹn là Giêsu.
Như thế, với hắn, chẳng thể gọi là quy luật ngẫu nhiên của “định mệnh” hay “số phận” của một đời người, mà là quy luật của sự chọn lựa đời mình, quy luật liên luỵ của cái trước với cái sau.
Mặc cho những vần xoay biến đổi, dòng chảy cuộc đời vẫn tấp nập. Chỉ có những chọn lựa của đời người mới có thể làm thành chính họ.
Ôi, những con người, những con đường!

Chợt thấy những vần điệu của R. Tagore, thật ấm.
Bạn có nghe tiếng chân Ngài (Chúa) vẫn bước
Từng phút giây, năm tháng, từng thời.
Ngày lại đêm, Ngài vẫn bước không ngơi
Tôi theo dõi và tôi lên tiếng hát
Trên lối nhỏ rừng sâu hè chói nắng,
Hay trong đêm u ám của mùa mưa,
Hay xe mây khi sấm dội bao la:
Tôi ca tụng bằng lời ca muôn điệu.
Sầu lại sầu dù bao nhiêu chồng chất,
Gót chân Ngài nhấn nặng xuống tim tôi;
Nhưng một khi vừa chạm tới kim hài,
Lòng tôi bỗng dào lên bao sinh thú.
Tia sáng đầu tiên hãy loé lên,
Gieo trong tôi niềm vui sướng rộn ràng.
Khi tia mắt (Ngài) dừng trên tôi âu yếm:
Xin cho tôi trở về ngay với Chúa
Lúc sáng về tôi trở lại với tôi
.”
(Rabindranath Tagore – Chắp tay cầu nguyện – Giataanjali)

Thứ Hai, 25 tháng 1, 2016

DUC IN ALTUM

Thoáng chút đã một năm lướt qua. Sự lướt qua của thời gian nhanh đến mức hắn chẳng thể ngờ tới được.
Tuy vậy, khi ngoảnh lại, hắn vẫn thấy mình mạnh khoẻ, vẫn đứng thẳng và mỉm cười với cuộc đời, với con người, và vẫn yêu cuộc đời này quá đỗi. Đó chính là tâm tình thôi thúc hắn phải cất lên lời tạ ơn trời, cám ơn đời và tri ân người.
Đứng trước ngưỡng cửa của năm mới đang đến, một năm mới đã khép lại tất cả niềm vui cũng như đau buồn trong công việc, hân hoan cũng như phiền muộn của nhân gian, và đang mở ra trước mắt hắn những vận hội cũng như thử thách phía trước.
Nhìn về quá khứ, cũng như bao cá thể khác, hắn được quẳng vào thế giới và chẳng có gì có thể làm thoả mãn khát vọng thâm sâu nơi tâm hồn hắn, và cũng chẳng có gì có thể bảo đảm cho vận mệnh đời hắn. Tất cả mọi người, ai ai rồi cũng phải sống cuộc đời của họ. Chẳng ai có thể sống giùm cuộc đời của hắn. Tiền bạc, địa vị, danh vọng... tất cả rồi cũng lùi vào quá khứ như chính khoảng thời gian ngắn ngủi đã qua của hắn. Vì thế, hắn vẫn mải miết đi tìm câu trả lời cho những khắc khoải, ưu tư của đời hắn.
Nhìn vào hiện tại, cũng như bao sinh vật khác trên trần gian này là được dựng nên vì chính hắn và chỉ có thể tìm lại được chính mình khi thành thật hiến dâng (x. Gaudium et Spes 24), hắn được trao quyền đồng kiến tạo thế giới với lời hứa được ở cùng (x. Mt 28, 20). Hắn có niềm vui song hành trong những bước chân. Và có lẽ, dấn thân cho môt lý tưởng đã được ấp ủ trong niềm vui được đồng hành chính là chìa khoá cho cuộc đời của hắn.
Nhìn về tương lai, cũng như những người khác trên hành trình cuộc đời, hắn được trao ban niềm hy vọng, một niềm hy vọng đáng tin cậy, đến nỗi có thể đối diện với thực tại và chấp nhận được vì nó dẫn đến mục đích tối hậu đến mức biện minh được cho nỗ lực cam go của cuộc hành trình đời hắn (x. Thông điệp Spe Salvi). Niềm hy vọng vào thực tại tương lai nhắc nhở hắn không để cho gánh nặng quá khứ đè xuống hiện tại, và kéo ngược tương lai của hắn vào quá khứ. Niềm hy vọng đó thôi thúc hắn cuộn tròn quá khứ lại và vác lên vai, bằng một hứng khởi của trẻ thơ, để đi vào tương lai đời hắn như một cuộc chơi, để sáng tạo đời hắn với tất cả sự hồn nhiên, với tất cả niềm hào hứng của kẻ lần đầu tiên bước vào cuộc chơi.

"Hãy ra chỗ nước sâu" (Lc 4,5) chính là lệnh truyền từ Thầy Giêsu vị Thầy chí Thánh, cũng là mẫu gương hắn bước theo.
Ra chỗ nước sâu để đắm mình trong đại dương mênh mông của biển đời.
Ra chỗ nước sâu để thử sức với những vận hội và thử thách.
Ra chỗ nước sâu để có thể thử sức với những cơn sóng dữ có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Vì thế, hắn mạnh dạn và thanh thản bước tiếp những bước đi.
Nếu mục tiêu tối hậu và ý nghĩa của đời hắn là tìm gặp và sống với Jesus như là đích điểm của đời người, thì việc khép lại một năm cũ mà vẫn còn ngân lên trong tâm hồn hắn một thao thức dấn thân, và việc mở ra một năm mới cũng đồng nghĩa với việc "xắn tay áo" để thực hiện những dang dở trong hành trình đời hắn làm hắn thêm vui.
Chẳng ai đã thực sự gặp được Jesus rồi mà vẫn còn thờ ơ với chính mình và với cuộc đời.

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

ƠN GỌI

Đối với nhiều người, hình tròn luôn diễn tả điều gì đó trọn vẹn hơn một nửa hình tròn (bán nguyệt), bởi hình một nửa vòng tròn như có một chút gì đó dang dở. Và thông thường, từ nơi cái dang dở đó lại có một âm vang mời gọi làm tròn đầy. Có lẽ vì thế mà đối với một số người, một thực tại tròn đầy thì được quý mến hơn một thực tại dang dở.
Ơn gọi của một đời người, có lẽ cũng xuôi theo chiều của thực tại này, một thực tại dang dở – tròn đầy.
Nếu ví đời người tựa hồ như một vòng tròn, thì ngay khi xuất hiện trên dương gian, họ đã có được một nửa vòng tròn, bao gồm gia đình, hoàn cảnh sống, môi trường giáo dục, bối cảnh văn hoá. Mỗi người, cách này hay cách khác, sử dụng chính tự do trải nghiệm của bản thân mình để làm thành một nửa vòng còn lại, tạo thành một vòng tròn khép kín, trọn vẹn. Bởi lẽ, một con người, dù phải gặp những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, thì bên trong vẫn còn có một khoảng không cuối cùng mà chẳng có ai có thể lấy đi được, đó là sự tự do chọn lựa cho những trải nghiệm của mình ở phía trước. Nếu những “phần bối cảnh” của cuộc đời từng người tạo nên một nửa của thực tại vòng tròn, thì chính cá nhân từng người phải dân thấn để hoàn tất một nửa của thực tại còn lại, tạo thành một vòng tròn khép kín, một thực tại tròn đầy. Nếu không, cuộc đời người đó vẫn được xem là dang dở.
Những trải nghiệm về cuộc đời của từng người lại chính là phần mà chẳng ai có thể thay thế được, bởi nó mang tính chất độc đáo, riêng tư, và nó làm nên chính cuộc đời họ. Nếu bản thân chẳng có trải nghiệm riêng tư nào, thì việc sống đời mình chỉ là một cuộc lê la từ trong quá khứ vào hiện tại, và lê lết về tương lai.
Kinh nghiệm của Môsê là bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi.
Kinh nghiệm của Abraham là việc tiếp đón 3 người khách lạ; đó là kinh nghiệm của sự gặp gỡ.
Kinh nghiệm của Phêrô là mẻ cá lạ lùng mà ông không thể lý giải theo kinh nghiệm nghề nghiệp.
Kinh nghiệm của Matthêu là kinh nghiệm của sự bắt gặp một ánh mắt nhân từ và lời kêu gọi ngay trong công việc của mình, kinh nghiệm đổi đời.
Kinh nghiệm của Maria Mađalena là kinh nghiệm của lòng xót thương.
Kinh nghiệm của Giakêu là kinh nghiệm được gọi đích danh.
Kinh nghiệm của Saulê là kinh nghiệm bị quật ngã ngay trong những xác tín tưởng chừng như tốt đẹp nhất.
Từng con người, với từng kinh nghiệm cụ thể đã trải nghiệm và đã đi đến cùng chọn lựa để sống trọn đời mình, và kết dệt thành lịch sử đời mình.
Những trải nghiệm riêng tư đó, rồi đây trở thành những kỷ niệm đẹp, cái đẹp của sự dấn thân.

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

Thông Cáo Báo Chí

(Ảnh minh hoạ)


Dòng Thừa Sai Đức Tin
Tỉnh Dòng Việt Nam


THÔNG BÁO 

V/v: THÁNH LỄ PHONG CHỨC PHÓ TẾ

Văn phòng thư ký Tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam trân trọng kính báo:
Thánh lễ truyền chức phó tế cho các tu sĩ thuộc Tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam sẽ được cử hành lúc 09g00 sáng thứ Bảy ngày 30/01/2016 (21/12 AL) tại trụ sở Tỉnh dòng Thừa Sai Đức Tin Việt Nam, 311/14/9 Đường 30/4, P. Phú Thọ, Tp. Thủ Dầu Một, T. Bình Dương, do Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Giám mục Giáo phận Phú Cường chủ tế.
Các ứng viên lãnh nhận tác vụ phó tế trong dịp này là những người đã hoàn tất chương trình triết học và thần học tại các học viện Công giáo và đã có thời gian thử thách, tu luyện trong dòng Thừa Sai Đức Tin gần 15 năm. Danh sách các ứng viên bao gồm:
1.      Tu sĩ Giuse Nguyễn Ngọc Cẩn, MF
2.      Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Công Chính, MF
3.      Tu sĩ Đaminh Saviô Nguyễn Cơ Thạch, MF
4.      Tu sĩ Giuse Đinh Văn Thắng, MF
5.      Tu sĩ Giuse Nguyễn Minh Thiên, MF
6.      Tu sĩ Phaolô Nguyễn Quốc Tuấn, MF
7.      Tu sĩ Phêrô Nguyễn Thanh Vương, MF

Văn phòng Tỉnh dòng trân trọng kính báo để ai biết có điều gì ngăn trở, xin vui lòng báo về cho văn phòng thư ký Tỉnh dòng trước ngày 20/01/2016. 
Đồng thời, kính xin mọi người hiệp thông cầu nguyện, để các tiến chức xứng đáng trở nên những phó tế nhiệt thành và luôn hăng say loan báo Tin mừng cho tất cả mọi người, nhất là những người chưa nhận biết Chúa. 
Mọi chi tiết, xin liên hệ với thư ký theo số điện thoại: 0901.234567

Thủ Dầu Một, ngày 31/12/2015
(đã ký)
Ts Giuse Nguyễn Minh Phúc, MF
Thư ký


Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

THÔNG CÁO BÁO CHÍ



 (Ảnh minh hoạ)


TỔNG GIÁO PHẬN TP. HCM
LIÊN NHÓM MVTT GÒ-PHÚ-MỚI


V/v MỪNG KÍNH THÁNH PHANXICÔ SALÊSIÔ
BỔN MẠNG LIÊN NHÓM MVTT GÒ-PHÚ-MỚI

Đại diện liên nhóm MVTT Gò-Phú-Mới  trân trọng thông báo:




Buổi họp mặt giao lưu về công tác Mục Vụ Truyền Thông (MVTT) và thánh lễ tạ ơn mừng kính thánh Phanxicô Salêsiô, bổn mạng liên nhóm MVTT Gò-Phú-Mới sẽ được tổ chức vào sáng thứ Bảy, ngày 23/01/2016 tại nhà thờ Giáo xứ Bến Hải, Giáo hạt Gò Vấp, số 332/60 Dương Quang Hàm, P.5, Quận Gò Vấp.


Hiện diện trong buổi họp mặt có đại diện liên nhóm MVTT Gò-Phú-Mới, một số linh mục hạt trưởng, linh mục đồng hành, các đại diện của 11 nhóm MVTT, và một số khách mời. 


Buổi giao lưu sẽ bắt đầu bằng những phút sinh hoạt đầu giờ, lúc 08h00. Sau đó, Linh mục đồng hành Đaminh Nguyễn Văn Hiệp khai mạc buổi lễ lúc 08h15. Những kinh nghiệm về truyền thông, các ý kiến của những người đi trước trong lãnh vực truyền thông, cũng như những báo cáo, tổng kết liên quan đến hoạt động truyền thông sẽ là những hoạt động chính yếu nhằm chia sẻ, học hỏi và trao đổi kinh nghiêm loan báo Tin mừng thật trong thế giới ảo.


Thánh lễ tạ ơn mừng kính thánh Phanxicô Salesio, bổn mạng liên nhóm MVTT Gò-Phú-Mới sẽ được long trọng cử hành lúc 09h45 do cha đồng hành Đaminh chủ tế. cùng đồng tế với ngài có một số linh mục hạt trưởng, một số linh mục khách mời, cùng với sự tham dự của các thành viên liên nhóm MVTT và khách mời.



Mọi chi tiết, xin liên hệ với anh đại diện Matthêu Nguyễn Khắc Thịnh qua số điện thoại: 0908.456789