Thứ Hai, 19 tháng 9, 2016

Chào PT

Vừa đặt chân vào đến ranh giới, PT đón mình bằng một trận mưa tầm tã. Mình có cảm tưởng như đó là trận mưa lớn nhất kể từ khi bắt đầu mùa mưa. Từng trận mưa nặng hạt cứ phả vào mặt, làm cho da mặt có cảm giác vừa căng rát, vừa che khuất tầm nhìn trên đường. Hai chiếc áo mưa mang theo, dù đã bọc gần như kín mít, vẫn cảm thấy như không đủ che hết được trận mưa này.
Con đường đất đỏ dẫn vào khu vực, mỗi khi có chiếc xe nào chạy qua vào mùa nắng, thì cả một vùng hai bên đường chẳng thể nhìn thấy nhau, không bởi khói sương mà vì bụi đất đỏ mịt mù. Những lớp bụi tung lên và cuốn theo chiều gió, bám vào những hàng cây hai bên đường. Những lớp còn lại, tạo thành một lớp bột mịn, khi gặp mưa lớn, thì trôi theo dòng nước, tạo thành dòng chảy mang theo phù sa. Vì thế, các con sông bắt nguồn từ vùng đất Tây Nguyên, luôn có màu đỏ au, đục ngàu. Mùa mưa, con đường trở nên trơn trượt và sình lầy. Khi gặp phải trận mưa lớn, đoạn đường trở nên như chiếc võng, cứ đánh đưa “con ngựa sắt” mình, khi thì trượt sang mép bên này đường, khi thì sang tận mép bên kia. Và dẫu muốn biến thành chiếc võng, để cứ ...đong đưa “con ngựa sắt” trên mặt đường, thì cũng chẳng ngăn cản được bước chân của kẻ đang ít nhiều bước đi trên những cung đường như thế này.

Những khuôn mặt hiền từ, những nụ cười hồn hậu, chất phác là những thứ mình bắt gặp khi trở lại sau một năm. Những con người quanh năm lam lũ, gắn chặt đời mình vào những thửa đất, những hàng cây nông nghiệp, đã như một phần tất yếu của cuộc đời những con người nơi đây. Những mảnh đời gắn liền với những thân phận quy tụ từ những vùng đất khác nhau, nhưng cùng chung nhau một nỗi khao khát, đó là con tim bình an.
Hơn 50 năm qua, họ vẫn trung thành, gắn bó với mảnh đất mà họ đã chọn như là quê hương thứ hai của đời họ. Những con người đã kinh qua gian khổ, đã chứng kiến những tàn khốc của binh lửa, của chiến tranh thì hơn ai hết, chính họ rất khát khao cuộc sống yên bình. Có lẽ vì thế mà suốt bao nhiêu năm, họ ngày ngày chấp nhận yên phận với khoản thu nhập bấp bênh từ những thứ do chính công sức đổ xuống nương đồng. Hơn 50 năm, thế hệ đầu tiên trong số những người đến lập nghiệp, đã có những người hoàn tất cuộc đời của mình và đã gửi lại thân xác ở lòng đất mẹ nơi quê hương thứ hai này.
Mình không biết được có bao nhiêu giọt mồ hôi của những con người nơi đây đã đổ xuống và hoà quyện vào vùng đất này. Mình cũng không biết được có bao nhiêu ước mơ đã được trải dài xuống dòng chảy cuộc đời, cụ thể nơi những con người đang sinh sống nơi đây. Mình biết được một điều, là cho đến nay, họ vẫn phải vất vả, lam lũ để mưu sinh trên mảnh đất đã gắn bó hơn một nửa đời người của họ. Hầu như họ hiểu nhau, biết rõ về nhau và chia sẻ cho nhau những vui buồn của nhịp sống thường ngày. Họ biết tường tận về nhau và tin tưởng nhau đến nỗi, ngay cả một bảng hiệu quảng cáo dịch vụ được viết bằng than củi, đã mờ nhạt theo năm tháng, người ta vẫn hiểu được nơi ấy cung cấp dịch vụ gì.

Không cầu kỳ trong cách sống, không vồn vã khi tiếp xúc, họ chỉ đơn giản mong muốn cuộc sống yên bình. Nếu một lữ khách dừng chân, sẽ cảm nhận được câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Họ hy vọng thật nhiều, nhưng rồi niềm hy vọng vẫn cứ mãi xa vời với thực tại của họ. Và họ thất vọng, rồi lại đặt hy vọng và lại thất vọng. Khi thất vọng với mặt đất, thì chính là lúc họ ngước nhìn lên cao, để đặt niềm hy vọng vào một thực tại trên cao.
Phải chăng, “hướng nhìn lên cao” là nơi cuối cùng mà người ta có thể gửi gắm niềm tin của mình.
Phải chăng, việc hướng về thực tại trên cao để thấy được vẻ đẹp của đời sống, để thấy cuộc sống này thật đáng sống, và để thấy cuộc đời họ không đi vào ngõ cụt chính là động lực giúp họ có thể có sức mạnh để bước tiếp những bước chân trên hành trình sống kiếp người của mình.
Và phải chăng, đó là nét đẹp thân thương giữa những ngổn ngang của cuộc mưu sinh đầy trắc trở.